Phi Lao đã được nhập nội, trồng rừng ở Việt Nam từ năm 1896 và tỏ ra là một loài cây thích hợp nhất với vùng cát ven biển. Qua hơn một thế kỷ gây trồng rừng, diện tích rừng Phi Lao trồng trên cát để chắn gió liên tục gia tăng. Song Rừng Phi Lao mới trồng trên đồi cát thường dễ bị chết, sinh trưởng chậm do trồng sai kỹ thuật. Bài viết này của chúng sẽ chia sẻ với bạn đọc về kỹ thuật trồng Cây Phi Lao trên đồi cát để bạn đọc tham khảo.
Phi Lao thích hợp khi được trồng trên đồi cát
Diện tích đất cát và cồn cát ven biển Việt Nam có khoảng 502.045 ha, chiếm 1.4% diện tích tự nhiên toàn quốc, tạo thành các dải đất cát chạy dọc theo bờ biển, phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng ven biển Miền Trung. Đất cát và cồn cát ở nước ta bao gồm các đụn, cồn cát di động, cồn và bãi cát bán di động, bãi cát cố định và bãi ẩm thấp.
Các nhà lâm nghiệp cho rằng đây là một vùng sinh thái khắc nghiệt, hiểm hoạ cát di động uy hiếp mạnh mẽ các khu dân cư, ruộng vườn, đường sá và trở thành khu vực rất xung yếu. Vì thế, người dân muốn sinh sống và trồng trọt trên vùng sinh thái này cũng rất khó khăn. Vậy mà, Cây Phi Lao lại có thể hiên ngang sinh trưởng và phát triển trên vùng sinh thái khắc nghiệt này.
Cách trồng Cây Phi Lao trên đồi cát
Cây Phi Lao có thể sinh tồn được trên các đồi cát hàng chục năm, song để giúp cho Rừng Phi Lao trên đồi cát luôn được tươi xanh rất cần sự trợ giúp của người trồng rừng, các kỹ thuật trồng Rừng Phi Lao trên đồi cát luôn là đề tài được những nhà quản lý rừng ven biển quan tâm.
Chuần bị cây giống: Nếu trước kia các nhà trồng rừng chỉ trồng Phi Lao bằng hạt mà không chú ý đến khả năng thích nghi của cây con và điều này đã gây ra những thất bại đáng kế. Ngày nay những nhà trồng rừng phòng hộ đã biết rút kinh nghiệm và cho hạt vào gieo ươm trong bầu. Khi cây giống đạt độ tuổi xuất vườn, cứng cáp thì người ta mang cả bầu cây trồng. Nhờ cách chuẩn bị cây giống chu đáo này đã giảm được sự tổn thương cho hệ rễ của cây con giúp cây thích nghi nhanh chóng với môi trường khắc nghiệt.
Lựa chọn thời điểm trồng Phi Lao thích hợp: Một số dự án trồng rừng đã thất bại do sau khi trồng rừng xong tháng 11, 12 thì đúng vào thời kỳ gió mùa Đông-Bắc thổi rất mạnh, đặc biệt ở các “cửa gió”, gió thổi làm trơ gốc, rễ cây tới chiều sâu 50-60cm, cây bị chết hàng loạt hoặc bị gió thổi bay, hoặc bị vùi lấp cả vạt rừng mới trồng. Kinh nghiệm của bà con trồng rừng cho rằng thời điểm thích hợp nhất để trồng rừng đó là trồng ngay trong những ngày mưa bão hoặc ngay sau đó. Lúc này, cát nằm im, giẻ mịn, Cây Phi Lao cắm xuống lỗ sâu bắt đầu bám đất, ra rễ.
Chuẩn bị hố trồng phi lao: trong các hố chuẩn bị trồng Cây Phi Lao cần được độn những lớp rơm rạ, lá cây. Những lớp lót này giúp cây hút đủ nước để sinh trưởng khoẻ mạnh mà tồn tại trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Kỹ thuật trồng Rừng Phi Lao trên đồi cát không khác gì nhiều so với trồng Phi Lao trên đất, song phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Đặc biêt là, người trồng rừng phải có kỹ thuật trồng và tìm giải pháp ngăn chặn cát bay, gió thổi bốc trơ rễ cây. Bà con lựa cây giống tháo bầu và nhẹ nhàng đặt cây con xuống hố đã chuẩn bị sẵn, sau đó lấp kín đất hoặc cát tới miệng hố. Bà con lưu ý kỹ thuật trồng rừng thành hệ thống đai ngang, có kết cấu hợp lý dọc từ chân tiến dần lên đỉnh đồi cát.
Trồng Rừng Phi Lao trên đồi cát cố định, đồi cát di động rất khó khăn và không phải làm một lần là thành công. Rừng Phi Lao trên đồi cát để đạt tỷ lệ sống cao đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố từ thiên nhiên, giống, kỹ thuật trồng của con người. Ngày nay, các nhà trồng rừng đang tiếp tục tìm tòi và ứng dụng những Giống Phi Lao mới chịu được cuộc sống khắc nghiệt trên các đồi cát để mở rộng quy mô Rừng Phi Lao phòng hộ ven biển.